Home » » Thi tốt nghiệp THPT: "Phải thay thế phương án khác" - TIN TỨC 24H

Thi tốt nghiệp THPT: "Phải thay thế phương án khác" - TIN TỨC 24H

Chúng ta tổ chức một kỳ thi công phu, tốn kém, cách thi và hướng ra đề tích cực nhưng để đạt được kết quả mà ai cũng biết như vậy thì thật vô nghĩa.

Nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Kỳ thi diễn ra khá nghiêm túc; đề thi có đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh khi làm bài.

Tuy nhiên, tôi vẫn rất băn khoăn, con em chúng ta chỉ được nghỉ ít ngày nữa thôi lại phải bước vào kỳ thi ĐH, CĐ. Hai kỳ thi rất gần nhau nhưng cùng có một mục đích lớn là để khẳng định rằng các em đã vượt qua 12 năm học để bước vào cấp học cao hơn hoặc vào đời. Như thế thì quá vất vả cho các em, tốn kém tiền bạc, công sức cho gia đình, xã hội và Nhà nước. Hơn nữa kết quả thi tốt nghiệp năm nay cao quá! Hầu hết địa phương đều có tỉ lệ đạt ở mức 98%-99%. Chúng ta tổ chức một kỳ thi công phu, tốn kém, cách thi và hướng ra đề tích cực nhưng để đạt được kết quả mà ai cũng biết như vậy thì thật vô nghĩa! Ai cũng vui vì kết quả cao nhưng không thật sự thỏa mãn.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng dư luận băn khoăn về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Trong ảnh: Các thí sinh Hội đồng thi Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) vui mừng sau buổi thi môn toán. Ảnh: H.HÀ

Đã đến lúc chúng ta phải thay thế phương án thi khác, làm sao vẫn đánh giá được học trò suốt 12 năm học nhưng vẫn có cơ sở sàng lọc để các em chuẩn bị bước vào một cấp học cao hơn hoặc có những lựa chọn khác phù hợp hơn.

Theo tôi thì có nhiều phương án. Chẳng hạn, đánh giá việc học, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nên để cho địa phương; còn kỳ thi ĐH, CĐ thì là chuyện vĩ mô của ngành, của Nhà nước. Kết quả học tập 12 năm, năm nào cũng có học bạ, năm nào cũng có kiểm tra học kỳ 1, học kỳ 2 và có kết quả từng năm. Cộng lại 12 năm để đánh giá học sinh thì các sở GD&ĐT từng địa phương phát huy vai trò của mình để chỉ đạo và đánh giá xếp loại học sinh. Lúc đó Bộ sẽ làm vai trò cao hơn, có thể đánh giá hoặc kiểm tra lại từ kết quả của các địa phương. Từ đó tránh bệnh thành tích để cho xã hội thấy được một kết quả nghiêm túc, đúng chất lượng quá trình dạy và học từ các trường.

Chúng ta cũng có thể gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một - kỳ thi "hai trong một". Về phương án này có nhiều cách tổ chức. Cụ thể như tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc hơn, kỹ hơn, có sự hỗ trợ của các trường ĐH nữa để dựa vào kết quả kỳ thi này có cơ sở xét vào ĐH hoặc CĐ. Hoặc là như trên đã nói, chúng ta giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương mà tập trung cho ĐH, CĐ.

Như vậy, chúng ta có nhiều cách để làm nhưng cách như hiện nay không ổn nữa. Chúng ta nhất định phải đổi mới, phải tiếp tục đổi mới một cách cơ bản, cả hình thức lẫn nội dung. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng mất sức quá, tốn tiền quá để rồi đạt được một kết quả mà ai cũng thấy, ai cũng vui đấy nhưng còn rất băn khoăn. Chúng ta phải làm thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, đầu tư có thể tốn kém nhưng phải chất lượng thực sự.

Cách nào thì cách nhưng Bộ phải sớm có một dự thảo để trưng cầu ý kiến trong toàn dân nhằm có những đóng góp, xây dựng. Đây là vấn đề cấp bách, liên quan đến quyền lợi của con em nhân dân. Đây là khâu đột phá, phải tranh thủ ý kiến của đông đảo nhân dân, mọi đối tượng. Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có kết quả thật chứ không ảo, hữu ích chứ không hình thức.

 

 

Nguồn : http:// 24h.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

RSS