Home » » BT Công thương nhận trách nhiệm vì chậm sửa Nghị định 84 - TIN TỨC 24H

BT Công thương nhận trách nhiệm vì chậm sửa Nghị định 84 - TIN TỨC 24H

Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Chiều nay (10/6), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là người mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XIII.

Gửi câu hỏi đến Bộ trưởng trong phiên chất vấn, Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói rằng bà đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội phản ánh về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi, có biểu hiện lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá xăng dầu. Các Bộ trưởng Công Thương, Tài chính đã quy lỗi cho Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Bà Nga cho biết, từ năm 2011 đến nay, nhiều lần Bộ trưởng hứa sớm sửa đổi Nghị định 84 để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đến nay chưa có kết quả.

Theo bà Nga, cách sửa nghị định này cũng khó hiểu, mấy tháng đưa ra một lần rồi để đó. Gần đây còn có đề xuất, chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương, làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của Bộ Công Thương.

Có thể để doanh nghiệp tự định giá xăng

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, về cơ bản, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đáp ứng được yêu cầu. Trong gần một năm gần đây, sự điều hành giá xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đến bây giờ, người dân đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống.

Theo Bộ trưởng Dũng, thời gian vừa qua, do điều hành theo Nghị định 84 nên tránh được những cú sốc giá cả, tránh tác động đến lạm phát.

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, cần đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường. Do vậy, sửa Nghị định 84 là điều cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính tham gia việc sửa Nghị định 84. Và gần đây nhất, vào ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ sửa đổi lần cuối nghị định này và trong thời gian ngắn, Nghị định 84 sửa đổi sẽ được ban hành. Trong đó, điều rất quan trọng là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở.

Ngày xưa tính giá trong vòng 30 ngày, bây giờ sẽ đề xuất 15 ngày. Giữa 2 lần tăng giá ngày xưa là 15 ngày, bây giờ đề xuất 10 ngày, càng ngắn thì càng sát thị trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nga về vấn đề chuyển quyền điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, ông Đinh Tiến Dũng nói: "Đây là điều bình thường". Bởi Luật Giá quy định Bộ Tài chính quản lý về giá, hướng dẫn thanh tra kiểm tra, các bộ quản lý ngành điều hành về giá cụ thể.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính với vai trò quản lý Nhà nước của mình, trong quá trình điều hành, thay vì trước kia là Bộ Tài chính chủ trì, bây giờ Bộ Công thương chủ trì. Bộ Tài chính sẽ tham gia để Bộ Công Thương ra công bố.

"Chúng tôi cho rằng, như thế vẫn là minh bạch", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Công Thương hứa sớm ban hành Nghị định

Cũng có mặt tại phiên chất vấn chia lửa cùng Bộ trưởng Tài chính, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công Thương - cho rằng, Nghị định 84 vận hành mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành có phát sinh một số bất cập, cần điều chỉnh, bổ sung.

Theo Bộ trưởng Hoàng, có 3 bất cập chính cần khắc phục: Một là: Phải bám sát hơn diễn biến thị trường xăng dầu thế giới như tần xuất điều chỉnh, thời gian tính giá cơ sở ngắn hơn; Hai là: Cần tạo điều kiện cạnh tranh hơn, thêm nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền. Thứ ba là sử dụng hiệu quả hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Ông Vũ Huy Hoàng nói: "Với tư cách được Chính phủ giao là đầu mối nên chúng tôi nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định này".

"Xin hứa với Quốc hội, sau khi Thủ tướng xem xét tờ trình gần đây nhất của các bộ ngành, chúng tôi cố gắng ban hành sớm nhất nghị định thay thế Nghị định 84".

Nói về việc chuyển quyền điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, ông Hoàng nói: "Bản thân Bộ Công Thương không muốn việc điều chỉnh này. Chúng tôi vẫn muốn đề xuất với Chính phủ duy trì Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp điều hành giá như hiện hành.

Ông Hoàng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Tài chính không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu, chỉ là Tổ trưởng Tổ Điều hành giá. Đây là tổ liên ngành Bộ Tài chính – Công Thương.

Nếu Bộ Công Thương không đồng ý thì Bộ Tài chính báo cáo với Chính phủ để quyết định. Ngược lại, nếu đổi vai, Bộ Công Thương chủ trì, nhưng nếu Bộ Tài chính không đồng ý thì Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế liên ngành, một bộ không quyết định được.

 

 

Nguồn: http://www.24h.com.vn/

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

RSS