Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết mỗi ngày, hệ thống tòa án cả nước xét xử khoảng 1.000 vụ án nên không thể nắm bắt hết được, như vụ dùng nhục hình ở tỉnh Phú Yên, cơ quan này cũng chỉ mới biết qua báo chí.
* Phóng viên: Nhiều chuyên gia tư pháp cho rằng vụ "5 công an dùng nhục hình" ở tỉnh Phú Yên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đó là ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, người đã lệnh cho cấp dưới bắt khẩn cấp và hỏi cung dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên)?
- Ông Nguyễn Sơn: Chúng tôi chưa có hồ sơ vụ án nên thông tin phản ánh của báo chí cũng chỉ là một phần thôi. TAND Tối cao đã chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại việc này. Chúng tôi cũng đọc được thông tin trong vụ án này có bỏ lọt tội phạm nhưng việc xử án phải theo quy định của pháp luật, nếu chưa đúng tội danh thì phải xử lý đúng tội danh.
* Trả lời trên Báo Người Lao Động, ông Lương Quang - Chánh án TAND TP Tuy Hòa - nói rằng khi xét xử vụ án này phải "chịu nhiều áp lực". Ông có nghe dư luận việc tòa án xử vụ này chịu sức ép lớn?
- Chúng tôi không nghe được thông tin gì cả. Các vụ án thông thường xảy ra hằng ngày, hằng giờ và bình quân mỗi ngày, hệ thống tòa án trên cả nước xét xử khoảng 1.000 vụ án nên chúng tôi không thể nào nắm bắt hết được.
Nếu dư luận, báo chí nêu vấn đề thì mới đọc được thôi. Vụ án này cũng như các vụ án khác, cũng là một vụ án bình thường thôi, chúng tôi không thể nắm hết được thông tin.
* Dư luận cho rằng việc truy tố về tội dùng nhục hình trong vụ án này đã sai về quy trình tố tụng, lẽ ra phải truy tố về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ?
- Thường gây ra chết người thì người ta xác định thành tội xâm phạm tới tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ nhưng đến giờ chưa biết hồ sơ thế nào nên không thể nói tội gì được. Hồ sơ thể hiện như thế nào thì tội danh phải tương xứng như thế. Ngày 14-4, một đoàn công tác của TAND Tối cao sẽ đến Phú Yên trực tiếp nghe báo cáo về vụ việc và phối hợp với TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại để làm sao bảo đảm công bằng, khách quan nhất.
Bà Trần Thị Tâm (trái) và bà Ngô Thị Tuyết (vợ và chị của nạn nhân Ngô Thanh Kiều) nộp đơn kháng án tại TAND TP Tuy Hòa Ảnh: HỒNG ÁNH
* Trong vụ án này, Cục Điều tra hình sự VKSND Tối cao có nên vào cuộc để xem xét khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và truy tố tội danh gây ra nhiều phản ứng trái chiều như thế không?
- Đã xảy ra chết người rồi. Thương tích cũng có bằng chứng rõ ràng. Cả dấu hiệu và hành vi đều đã có. Nếu cấu thành tội rồi thì không cần thiết phải rút hồ sơ lên để điều tra. Chẳng hạn đang điều tra chưa kết luận mà có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải thay đổi điều tra viên ngay, còn ở đây theo nguyên tắc thì thực hiện thế nào phải theo quy định của pháp luật.
* Khi xuất hiện thông tin điều tra viên dùng nhục hình thì tòa án có thể yêu cầu triệu tập các điều tra viên tới tòa không ?
- Luật không quy định về việc này nên tòa án cũng không biết giải quyết thế nào. Vấn đề này rất khó bởi tòa án cũng là cơ quan thực hiện tố tụng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất để làm sao tòa án bảo đảm thực hiện được quyền tư pháp và bảo vệ công lý.
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét