"Đường ống cấp nước sạch cho người dân thủ đô Hà Nội đặt trên nền đất yếu, chưa được xử lý. Do vậy, chỉ cần mưa lũ, đất nền lún không đều đường ống sẽ bị biến dạng, vỡ. Sự cố vỡ đường ống nước vừa qua sẽ không dừng lại ở lần thứ 3 mà sẽ còn nhiều lần tiếp theo nữa".
Ngày 21/11/2013, đường ống cấp nước sạch cho người dân thủ đô Hà Nội bị vỡ. Hơn 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa…bị mất nước sạch. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 sự cố vỡ đường ống nước xảy ra. Phóng viên Khapham.vn có trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc.
Thưa ông, sự cố vỡ đường ống nước ngày 21/11, xảy ra ở km 27, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội ảnh hưởng gì tới đường cao tốc Đại lộ Thăng Long?.
Sự cố vỡ đường ống xảy ra không ảnh hưởng đến nền đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nhưng các công trình phụ trợ như cây xanh, lan can…bị ảnh hưởng ít nhiều.
Đường ống bị vỡ khiến hơn 70.000 hộ dân bị mất nước ngày 21/11
Có thông tin cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng long bị lún sụt, đã tác động vào đường ống nước dẫn đến nó bị vỡ. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi khẳng định điều đó là không đúng. Đại lộ Thăng Long dài 29km, được khởi công từ 20/3/2005 cho đến nay cơ bàn đã hoàn thành. Khi thi công công trình, nền móng đất tuyến đường chúng tôi đã xử lý đặc biệt bằng các công nghệ cao như giếng cát, cọc cát, thay đất, dải vải địa kỹ thuật. Sau khi bảo đảm việc xử lý đất yếu chúng tôi mới thi công làm đường.
Trong khi đó, đường ống cấp nước sạch cho người dân thủ đô lại không nằm bên dưới tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long. Đường ống nằm bên hông đường cao tốc của chúng tôi, cách khoảng 12 m. Tôi khẳng định ống không nằm trong nền đường cao tốc. Do đó, cũng không thể nói nền đường của chúng tôi gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống dẫn nước vừa qua?
Theo tôi biết, đơn vị thiết kế đường ống chưa có nhiều kinh nghiệm. Họ đặt đường ống trên nền đất yếu chưa được xử lý. Khi gặp mưa lũ, nền đất lún không đều sẽ tác động gây vỡ đường ống. Đường ống hiện nay đang nằm trên dải đất dự trữ dùng để trồng cây xanh.
Năm 2006, chúng tôi đã khảo sát, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc dài 29km, có 29 vị trí xung yếu, mỗi đoạn xung yếu dài từ 20 đến 200m. Tôi theo dõi thấy, cả 3 lần vỡ đường ống trong thời gian vừa qua đều ở vị trí nền đất yếu chúng tôi khảo sát nêu trên. Do vậy, tôi khẳng định tuyến đường ống dẫn nước sẽ không dừng lại ở việc vỡ lần 3 mà sẽ còn nhiều lần sau nữa.
Việc này chúng tôi đã cảnh báo họ ngay từ khi bắt đầu xây dựng đường ống dẫn nước. Tôi là người đại diện cho chủ đầu tư và đã họp với các nhà thầu để khuyến cáo họ nếu lắp đặt tuyến ống đi qua nền đất yếu sẽ không đảm bảo.
Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc.
Có nhiều ý kiến cho rằng ống composite đơn vị cung cấp nước đang sử dụng có khả năng chịu lực kém, dễ vỡ. Ông có ý kiến gì về nội dung này?.
Tôi được biết ống composite được sản xuất bởi một loại sợi tổng hợp. Loại ống này do Việt Nam sản xuất. Ống composite cũng mới được biết đến trên thị trường.
Ở thời điểm năm 2006, có lẽ ống được sử dụng lần đầu tiên cho Dự án cấp nước Sông Đà. Loại ống này nếu lắp đặt trên nền đất yếu, chưa được xử lý kỹ thì chỉ cần nền đất lún không đều ống sẽ biến dạng, vỡ. Bởi vì, vật liệu composite không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc uốn cong. Tôi ví dụ, một đoạn ống dài 12m chỉ cần lún khoảng 1 gang tay là xảy ra sự cố.
Tôi được biết, đường ống cấp nước dài 60km chạy từ Sông Đà về Hà Nội. Hiện đơn vị cấp nước đang có dự án xây một bể chứa lớn ở gần Hà Nội để đề phòng khi sự cố vỡ đường ống xảy ra. Nhưng tôi cũng không biết rằng dự án này đến bao giờ được triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét