Có nhiều lý do khiến các thầy, cô giáo rẽ sang con đường kinh doanh. Cốt cách và đạo đức của nhà giáo khi đi làm kinh doanh đã giúp nhiều doanh nhân chèo lái doanh nghiệp vững vàng.
Cô giáo dạy nhạc Kim Hồng không quên nghề cũ
Là một doanh nhân thành đạt, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn, cũng đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận danh hiệu Đệ nhất hoa hậu quý bà, ít ai biết, TS Kim Hồng xuất thân từ nghề giáo.
Nhà giáo, doanh nhân Kim Hồng.
TS Kim Hồng có 2 năm (năm 1988 và 1989) làm giáo viên dạy nhạc ở Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu, quận 2, TP. HCM. Mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng bà tỏ ra là người rất yêu nghề và không nghĩ sẽ bỏ bục giảng.
Thế nhưng, một biến cố lớn của gia đình đã khiến quý bà này chuyển hướng. Năm 1990, khi cùng ba về Quảng Bình, ba bà Kim Hồng đã mất ở đây. Tinh thần suy sụp, quý bà thành đạt này đã không thiết gì đến công việc. Nghe lời anh trai, bà đã chuyển nghề và làm việc ở Trung tâm Quảng cáo Vinaxad, thuộc Bộ Thương mại, phụ trách Marketing.
Khởi nghiệp từ một cô giáo dạy nhạc, nhưng rồi cơ duyên với công việc kinh doanh đã khiến TS Kim Hồng xây dựng công ty, và chéo lái con tàu vững mạnh từ thời trẻ đến nay. Tuy bận bịu với hàng loạt các dự án, nhưng TS Kim Hồng vẫn không quên nghề cũ-nghề giáo.
"Đầu tàu" ACB đều trưởng thành từ nghề "gõ đầu trẻ"
Trong số các ngân hàng tại Việt Nam, ACB có lẽ là ngân hàng độc nhất vô nhị với "nguồn gốc giáo viên" của mình.
Ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Trịnh Kim Quang – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp – Trưởng ban kiểm soát… đều có thâm niên làm nhà giáo trước khi đến với ACB.
"Đầu tàu" ACB, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, thầy giáo Trần Mộng Hùng
Vào đầu những năm 1990, khi đất nước bắt đầu mở cửa, những người sáng lập ACB nhận thấy cơ hội đem kiến thức của mình áp dụng vào cuộc sống nên đã cùng nhau xây dựng một ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh. Ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập nguyên là giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng, còn ông Trịnh Kim Quang – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từng có 10 năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế TP HCM.
Một trong những lý do khiến những vị lãnh đạo tài ba này bỏ nghề là: thu nhập nghề giáo quá thấp, trong khi khá vất vả.
Tuy nhiên, cốt cách và đạo đức của nhà giáo vẫn được những người ACB giữ lại khi đi làm kinh doanh và quản trị, điều hành ngân hàng.
Kinh nghiệm dạy toán chưa giúp Gỗ Trường Thành thoát hiểm
Nhà giáo, doanh nhân Võ Trường Thành- ông chủ Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) từng đưa doanh nghiệp mình trở thành doanh nghiệp đứng đầu ngành. Song những khó khăn thương trường cũng không phải ít, để đến bây giờ, doanh nhân này đang phải ngập trong đống nợ.
Kinhn nghiệm của giáo viên dậy Toán chưa giúp ông chủ ngành gỗ, doanh nhân Võ Trường Thành thoát khó.
Xuất thân là một giáo viên dạy Toán ở đất võ Bình Định, hơn 30 năm trước, vị doanh nhân này rời quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Rồi cái duyên đưa ông đến với gỗ tại vùng Tây Nguyên - Đắk Lắk xa xôi vào những năm 90 thế kỷ trước, với một xưởng gỗ 30 nhân công và số vốn đầu tay khoảng 3.000 USD. Sau gần 10 năm thăng trầm, có lúc tưởng chừng phải phá sản, từ Tây Nguyên, ông trở lại với thị thành bằng việc mua lại DN FDI đầu tiên tại Bình Dương và thành lập chi nhánh TP. HCM, tạo bước tiền đề cho sự hình thành nên Tập đoàn Trường Thành với 14 công ty thành viên và hơn 6.500 CB, CNV.
Từng là giáo viên dạy Toán, ông Thành luôn áp dụng tư duy Toán học để tìm lời giải cho các vướng mắc trong điều hành. Hai trong nhiều điểm yếu tồn tại lâu năm của ngành gỗ là thiếu nguyên liệu triền miên và năng suất lao động thấp. Khi đó, nhận thấy thị trường gỗ trong nước vẫn phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu trong khi chi phí nguyên liệu đã chiếm đến 70% giá thành, gỗ Trường Thành nghĩ đến cách thuê đất trồng rừng để có thể tự chủ về nguyên liệu mà lại giảm được chi phí sản xuất, tăng biên lợi nhuận.
Năm 2008, ông Thành tìm khách hàng mua gỗ nguyên liệu rồi bắt đầu thuê đất trồng rừng. Dự kiến, gỗ nguyên liệu sẽ có thể bắt đầu khai thác được sau 5 năm kể từ thời điểm đó.
Nhưng cuối năm 2008 đầu 2009, kinh tế bắt đầu khó khăn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất trên thế giới cũng giảm. Vì vậy, các bạn hàng lâu năm của Gỗ Trường Thành cũng chuyển sang mua sản phẩm gỗ giá rẻ và không nhập sản phẩm cao cấp nữa, mặc dù công ty đã sản xuất đầy đủ theo đơn hàng của họ từ trước. Bán không được, kiện bạn hàng cũng không xong, ông Thành đành đem thành phẩm về cất trong kho cùng với đống gỗ nguyên liệu cao cấp mua từ trước.
Từ thời gian này, công ty đuối dần đuối dần, để rồi sau 30 năm ăn ngủ cùng gỗ, doanh nhân này đã mắc nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỉ đồng.
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét